3 xu cafe

Hàng đoàn người rồng rắn xếp hàng, chờ đợi 2-3 tiếng đồng hồ trong nắng gắt, thậm chí hỗn loạn trong sự can thiệp của “sắc phục”. Thậm chí, kịch tính hơn, còn có người ngất xỉu.

Nhưng không phải đó là những hình ảnh trắng đen của một thời bao cấp, thủa từng chứng kiến sự kiên nhẫn vô hạn của người Việt trước…miếng ăn. Đó là những gì mà báo chí đã mô tả vào ngày 1-2-2013, khi cửa hàng café Starbucks đầu tiên khai trương tại Việt Nam. Bây giờ thì nhiều người mới hiểu nỗi cay đắng của Đặng Lê Nguyên Vũ, “CEO café số 1 Việt Nam”, khi ông nói Starbucks là thứ “nước đường có pha cafe”. Thật buồn cho ông Vũ. Thật buồn cho Đăk Lăk. Thật buồn cho Việt Nam. Khi mà thứ “nước đường có hương vị café” đó, cũng vẫn chỉ là một cái gạch đầu dòng được gạch thêm trong chi chít những liệt kê về sự thất bại của sản phẩm Việt trên sân nhà.

Năm 1890, lần đầu tiên cây cafe được người Pháp đưa tới Việt Nam. 4 thập kỷ sau đó, café Buôn Ma Thuột trở thành một trong những loại cafe nổi tiếng nhất thế giới. Năm 2011, 81 năm sau đó, trong chính cái năm chúng ta đưa ra một con số thống kê hân hoan, rằng “Cứ 10,5 ly café mà người dân trên thế giới uống”, có 1,5 ly từ Việt Nam”, thì một luật sư, chứ không phải những người kinh doanh café, vô tình phát hiện thương hiệu café hàng đầu thế giới “Buôn ma thuột” đã bị đăng ký mất. Bởi những người Trung Quốc. Hoàn toàn chẳng liên quan gì đến Buôn Ma Thuột. Và điều còn đáng nói hơn, ngay cả thủ phủ café Đăk Lăk, cũng mất thương hiệu từ năm 1997. Thật hài hước, ngay năm ngoái, thương hiệu “café chồn” của “đế chế Trung Nguyên”, cũng đã bị một ông Alexander nào đó đăng ký trước, tại Mỹ. Thật nực cười, ngay thương hiệu Trung Nguyên của người đàn ông “muốn lãnh đạo café thế giới” cũng đã từng bị đăng ký bảo hộ thương hiệu, vẫn là tại Mỹ. Người đăng ký, tất nhiên cũng không phải người đàn ông “muốn lãnh đạo café thế giới”. Và thật tệ, chi phí đăng kí bản quyền Legendee Coffee tại Mỹ chỉ 165 USD, tương đương với hơn 3 triệu đồng.

Khi quyết định thị trường thứ 62 sẽ là Việt Nam, quốc gia xuất khẩu café Robusta hàng đầu thế giới thì hoặc là Starbucks bị điên, hoặc họ đã nhìn thấy trong đó một thị trường tiềm năng đang bị bỏ trống. “Có một nhu cầu bị dồn nén đối với Starbucks tại Việt Nam”, lời tuyên bố của người lãnh đạo Starbucks, thương hiệu mới khai sinh từ 1971, là cực ngoa ngôn. Nhưng những người đã, đang, và sẽ lấm lưng trắng bụng ngay trên sân nhà mà vẫn nói cứng, đại loại “Đẳng cấp một người không phải nằm ở chỗ anh ta có bao nhiêu tiền mà là ở văn hóa, nền tảng tri thức của anh ta”, thì không phải là ngoa ngôn nữa. Mà là chém gió. Còn có một điều nữa chẳng cần phải nghi ngờ. Đó là chiến thắng, rút cục, vẫn thuộc về những người sở hữu thứ “nước đường”. Đơn giản thôi, bởi các doanh nhân hàng đầu Việt Nam, thậm chí còn chẳng bao giờ đặt ra và trả lời câu hỏi: Tại sao thứ “nước đường có hương vị café” với giá bán đắt gấp 10 lần café nội địa, lại gây “giông bão” tại 61 thị trường trước đó và giờ là ở Việt Nam, nơi café, chứ không phải nước đường- “tuyệt hảo nhất thế giới”, nơi từng có những thương hiệu hàng đầu thế giới.

Một câu hỏi cực sốc liên quan đến thứ “nước đường” này đã được tờ Doanh nhân Sài Gòn đặt ra. Đó là “Starbucks mang café Trung Quốc vào Việt Nam”? Câu hỏi này dẫn tiếp đến câu hỏi thứ 2: “Chúng ta sẽ uống cà phê “made in China” ngay tại nơi đang là vựa cà phê của thế giới?”.

Câu đầu tiên xuất hiện trên màn hình trong bộ phim “Vàng Đen” của đạo diễn Mark Francis và Nick Francis là: “Với một tách cà phê 3 đô la, nông dân kiếm được chỉ ba xu”. Chỉ có điều, với cái cách hàng Việt lấm lưng trắng bụng trên sân nhà, e là ba xu này cũng thuộc về nông dân ở đâu đó chứ không phải là nông dân Việt Nam.
Nguồn: Đào Tuấn

BMI - Ba kịch bản chính trị Việt Nam

BMI nói kịch bản tốt nhất là Đảng Cộng sản dần chuyển sang tự do hóa chính trị
Đảng Cộng sản Việt Nam đang phải đối diện với một nhiệm vụ khó khăn trong việc bảo vệ hệ thống độc đoán, giữa lúc áp lực đòi cải cách dân chủ đang ngày càng tăng cao.
Đây là nhận xét của hãng tư vấn ở London, Business Monitor International ( Bấm BMI), được đưa ra trong Bấm bản phúc trình mới nhất, dự báo tình hình kinh doanh của Việt Nam trong thời gian từ nay tới 2022.
Trong bản phúc trình mới nhất, công bố cho quý hai năm 2013, công ty độc lập chuyên thu thập và đánh giá rủi ro chính trị và kinh doanh có trụ sở tại London nói rằng về ngắn hạn, mức độ rủi ro chính trị của Việt Nam là tương đối thấp, nhưng về mặt dài hạn lại gây quan ngại.

BMI đánh giá rằng câu hỏi lớn nhất mà chính trị Việt Nam đang gặp chính là những lời kêu gọi đòi phải dân chủ hóa, trong lúc về mặt chính sách ngoại giao thì việc Trung Quốc ngày càng lớn mạnh sẽ đẩy Việt Nam gắn bó hơn với nhóm các nước Á châu có quan hệ gần gũi với Hoa Kỳ.

Theo cách tính toán xếp hạng của BMI, Việt Nam đạt 76,9, tức trên trung bình trong khu vực đối với mức rủi ro chính trị ngắn hạn (73,2), đứng thứ chín. Đứng đầu là Singapore (94,8), tiếp theo là Brunei Darussalam (90,6).

BMI xếp hạng rủi ro chính trị dài hạn

  1. Nam Hàn 84,2
  2. Singapore 80,6
  3. Đài Loan 75,4
  4. Hong Kong 72,9
  5. Trung Quốc 67,4
  6. Malaysia 67,2
  7. Ấn Độ 65,7
  8. Brunei Darussalam 65,6
  9. Philippines 62,8
  10. Bangladesh 62,6
  11. Thái Lan 61,8
  12. Sri Lanka 60,2
  13. Indonesia 60,0
  14. Campuchia 58,9
  15. Việt Nam 57,7
  16. Bắc Hàn 55,2
  17. Papua New Guinea 54,8
  18. Pakistan 52,7
  19. Bhutan 51,0
  20. Lào 44,5
  21. Miến Điện 37,5
Trung bình khu vực 62,6/toàn cầu 63,4/các thị trường đang nổi 59,8
Tuy nhiên, ở phần xếp hạng độ rủi ro dài hạn, theo BMI, Việt Nam chỉ đạt 57,7, dưới mức trung bình (62,6) và đứng thứ 15 trên tổng số 21 quốc gia khu vực. Trong bảng này, Nam Hàn được cho là an toàn nhất, đạt 84,2 điểm, với Miến Điện đứng chót (37,5).

BMI cũng đưa ra ba kịch bản cho khả năng thay đổi chính trị Việt Nam trong thời gian tới, gồm tình huống cơ bản, tình huống tốt nhất, và tình huống xấu nhất.

Kịch bản một: Chế độ kỹ trị

Theo kịch bản này, Đảng Cộng sản VN biến chuyển thành một chế độ kỹ trị, theo đó BMI dự đoán Đảng sẽ chuyển hướng để chính phủ nhắm vào việc duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao và đảm bảo phân phối của cải một cách tương đối hợp lý cho toàn bộ dân chúng.

Với hướng đi này, BMI nhận định nhiều thanh niên vào Đảng nhằm thăng tiến trong sự nghiệp và phục vụ đất nước chứ không phải vì lý tưởng cộng sản.

Do vậy, BMI dự đoán các cải cách kinh tế sẽ được tiếp tục, bất chấp những lời chỉ trích từ các thành viên lớn tuổi, bảo thủ trong Đảng.

Tuy nhiên, BMI đánh giá là trong kịch bản này, việc các nhà hoạt động đòi dân chủ và những người chỉ trích chính phủ có những giai đoạn bị đàn áp mạnh tay chính là chỉ dấu cho thấy việc tự do hóa chính trị vẫn là điều chưa được chấp nhận.

Kịch bản hai: Từng bước tự do hóa chính trị

Theo BMI, đây sẽ là tình huống tốt nhất, với việc Đảng Cộng sản áp dụng những chuyển biến nêu trong kịch bản một, đồng thời kết hợp với việc dần dần tiến tới tự do hóa chính trị, như mở rộng vai trò của Quốc hội, chấp nhận một cách dễ dàng hơn những ý kiến khác ở ngay trong cùng Đảng, tăng tính cạnh tranh chính trị trong các kỳ bầu cử, và cho truyền thông hoạt động cởi mở hơn.

Theo kịch bản này, BMI cho rằng Việt Nam sẽ đi từ hệ thống độc đảng sang hệ thống một đảng nắm quyền chi phối tương tự như mô hình ở các nước láng giềng Campuchia, Malaysia và Singapore, nơi chỉ có đảng cầm quyền là có cơ hội thực sự để chiến thắng trong các kỳ bầu cử.
Hiện đang có nhiều kêu gọi phải sửa đổi điều 4 Hiến pháp, qua đó thách thức sự lãnh đạo độc quyền của Đảng Cộng sản
Nếu nhìn xa hơn, thì những gì đã xảy ra ở Nam Hàn, Đài Loan và Nhật Bản cho thấy mô hình hệ thống một đảng nắm quyền chi phối rốt cuộc cũng sẽ mở đường cho phe đối lập. Tuy nhiên, BMI nhận định trong trường hợp Việt Nam thì con đường này có lẽ chỉ xảy ra sau hơn một thập niên nữa.

Kịch bản ba: Bạo loạn và đàn áp bạo lực

Là khả năng xấu nhất, với những bước đi sai lầm nghiêm trọng về mặt chính sách, dẫn tới một giai đoạn biến động kinh tế kéo dài, tỷ lệ thất nghiệp cao và mức lạm phát chóng mặt khiến mức độ sung túc bị xói mòn, theo BMI.

Tình hình này sẽ thúc đẩy mạnh việc thay đổi thể chế, nhưng BMI đánh giá rằng trước các cuộc biểu tình rộng khắp trên đường phố và sự thách thức toàn diện về cơ chế độc đảng lãnh đạo, một bộ phận trong Đảng sẽ ủng hộ việc dùng các lực lượng an ninh đàn áp người biểu tình để tiếp tục níu giữ quyền lực.

Tuy nhiên, theo BMI, việc đàn áp bạo lực các cuộc biểu tình đường phố như từng xảy ra Bấm tại Bắc Kinh hồi 1989 hay tại Miến Điện hồi 2007 sẽ dễ khiến nhiều người thiệt mạng, và dẫn tới việc bị cộng đồng quốc tế áp lệnh trừng phạt.

Mà nếu vậy, Việt Nam nhiều khả năng sẽ phải đương đầu với không chỉ tình trạng bị cô lập về mặt ngoại giao mà còn bị suy yếu kinh tế do ảnh hưởng tới việc xuất khẩu và đầu tư trực tiếp của nước ngoài, BMI đánh giá.

Quy hoạch 21.000 ha quanh sân bay Long Thành

Các khu dân cư, khu đô thị, cụm công nghiệp, bệnh viện quốc tế, khu nghỉ dưỡng... với 21.000ha xung quanh khu vực sân bay quốc tế Long Thành vừa được tỉnh Đồng Nai quy hoạch và lấy ý kiến các ngành chức năng.

Theo quy hoạch, trong diện tích khoảng 21.000ha, ngoài các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phục vụ mua bán, vận chuyển hàng hóa, nơi này sẽ hình thành các trung tâm đào tạo - nghiên cứu, dịch vụ y tế - giáo dục - thể thao và nghỉ dưỡng mang đẳng cấp quốc tế. 

Dự báo năm 2020, khi cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động (giai đoạn 1) sẽ có 40-50% lực lượng lao động trong khu vực phục vụ ở sân bay.
Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đang được thi công. Đây là con đường mà tỉnh Đồng Nai kỳ vọng sẽ có tác động tích cực khi kết nối với các khu vực xung quanh sân bay Long Thành - Ảnh: T.T.D.
Nhiều xã rơi vào khu quy hoạch

Theo Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, để quy hoạch 21.000ha xung quanh cảng hàng không, tỉnh đã bàn bạc kỹ với Viện Quy hoạch đô thị nông thôn (Bộ Xây dựng) và các chuyên gia người Úc mới đưa ra quyết định trên. Qua học hỏi kinh nghiệm quy hoạch sân bay ở các nước cho thấy phải thực hiện kết nối giao thông quanh sân bay, xây dựng hạ tầng đồng bộ, đa phương tiện và tốc độ cao để rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa cũng như di chuyển hành khách.

Theo quy hoạch đến năm 2025, ngoài diện tích 5.000ha làm sân bay quốc tế (đường băng, nhà ga, các cơ sở dịch vụ sân bay), khu vực thiết kế quy hoạch quanh sân bay rơi vào huyện Long Thành (gồm các xã Bình Sơn, Bình An, Cẩm Đường, Long An, Bàu Cạn, Lộc An, Tân Hiệp) và huyện Cẩm Mỹ (xã Xuân Quế, Thừa Đức, Sông Nhạn) với diện tích khoảng 21.000ha. Trong đó, khu vực bắc sân bay (hướng kết nối với TP.HCM) chiếm diện tích trên 5.720ha để làm khu nhà ở cho nhân viên hàng không, khu tái định cư, khu dịch vụ và vùng cây xanh. 

Giải thích về việc bố trí các khu vực chức năng trên, các chuyên gia thuyết minh đây là nơi kết nối đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và đường tránh TP Biên Hòa... sẽ rất thuận lợi cho phát triển kinh tế của khu vực phía Nam.

Ở phía nam sân bay quy hoạch diện tích 4.400ha sẽ có trung tâm dịch vụ trung chuyển quốc tế và công nghiệp, khu công nghiệp phụ trợ, công viên và vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây ăn quả, là nơi kết nối khu vực xung quanh sân bay qua các tuyến đường nội khu với đường cao tốc Bến Lức - TP.HCM - Long Thành và quốc lộ 51 (hướng về Bà Rịa - Vũng Tàu). Riêng ở hai đầu đông bắc và tây nam sân bay (nơi làm đường hạ, cất cánh của máy bay), có trên 11.000ha dành làm vùng đất nông nghiệp, khu nghỉ dưỡng, khu dân cư nông thôn và kho chứa hàng để phục vụ cảng hàng không quốc tế...
Sơ đồ cơ cấu phân vùng chức năng sân bay Long Thành - Nguồn: Sở Xây dựng Đồng Nai - Đồ họa: Như Khanh

Đầu tư làm 3 giai đoạn

Ông Lý Thành Phương, phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Vừa qua khi lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn, lãnh đạo tỉnh có lưu ý quy hoạch chung nhưng tránh sử dụng nhiều đất nông nghiệp. Tỉnh cũng yêu cầu sở phối hợp thêm với các sở ngành xem có phản biện gì không để giải trình từng vấn đề trước khi xin ý kiến Tỉnh ủy Đồng Nai”. 

Theo ông Phương, hiện nơi quy hoạch sân bay rất thuận lợi vì khu vực này trong tương lai là cửa ngõ kết nối ở khu vực phía Nam với thế giới. Đây cũng là nơi có các tuyến giao thông đang thi công để về TP.HCM, ĐBSCL và ngược lại.

Dự báo về khó khăn, ông Phương lý giải đây là vùng đô thị hóa, có khu công nghiệp nên dân cư tập trung đông đúc. Khi quy hoạch để phát triển chắc chắn xảy ra những mâu thuẫn khiến công tác quản lý sẽ gặp khó khăn. 

“Mục tiêu của việc quy hoạch xung quanh sân bay tỉ lệ 1/10.000 để cụ thể hóa quy hoạch vùng TP.HCM, quy hoạch xây dựng vùng Đồng Nai. Đây cũng là cơ sở pháp lý để lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trong việc kêu gọi đầu tư, quản lý đất đai và hoạt động xây dựng” - ông Phương nói.
Theo phương án của tỉnh Đồng Nai, khoảng 21.000ha được tính toán cho các dự án hạ tầng dự kiến đầu tư làm ba giai đoạn. 

Theo đó, giai đoạn 1 (từ năm 2012-2020) đã và đang triển khai các dự án khu dân cư Lộc An cùng các đường kết nối với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và một phần trung tâm đào tạo quốc tế.
Giai đoạn 2 (2020-2025) xây dựng thêm các khu đô thị ở phía đông, bệnh viện quốc tế, khu nghỉ dưỡng...
Riêng giai đoạn 3 (sau năm 2025 đến khi sân bay đạt công suất tối đa) sẽ xây dựng hoàn chỉnh các hạng mục còn lại, đồng thời hoàn thiện cả hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối với các khu vực phía Nam.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đinh Quốc Thái, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Chủ trương của Chính phủ đã quy hoạch làm cảng hàng không quốc tế Long Thành nhằm thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dựa trên chủ trương chung, Đồng Nai có trách nhiệm kết hợp với Bộ Xây dựng thuê chuyên gia làm quy hoạch xung quanh sân bay cho phù hợp với một khu vực đô thị hiện đại để kết nối các tỉnh thành một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Trong quá trình làm quy hoạch quanh dự án sân bay Long Thành, tỉnh vẫn đang lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn. Khi có khó khăn vướng mắc mà ngoài tầm của tỉnh, chúng tôi sẽ xin ý kiến Chính phủ...”.
Đang lấy ý kiến về dự án cảng hàng không
Chiều 12/3, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cho biết Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan lập báo cáo đầu tư xây dựng công trình cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành theo chỉ đạo của Chính phủ. Hiện báo cáo đang được gửi lấy ý kiến các bộ ngành liên quan.
Theo quy hoạch cảng HKQT Long Thành được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và được Bộ GTVT công bố vào tháng 8/2011, cảng này được đầu tư xây dựng với chức năng trung chuyển trong khu vực Đông Nam Á, có khả năng cạnh tranh với các cảng hàng không lớn trên thế giới, cấp sân bay là 4F (theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế), tiếp nhận được các máy bay A380-800 hoặc tương đương, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Kế hoạch đầu tư cảng HKQT Long Thành sẽ chia thành ba giai đoạn. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 (đến năm 2020) được xác định là 6,744 tỉ USD, trong đó tổng chi phí xây dựng là 6,048 tỉ USD, còn lại là chi phí đền bù giải phóng mặt bằng. Nguồn vốn đầu tư thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước chỉ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn, khuyến khích thực hiện đầu tư vào các danh mục công trình dịch vụ khai thác, có khả năng thu hồi vốn từ các nguồn vốn ngoài ngân sách
Về tiến độ thực hiện, quy hoạch đề ra giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thu xếp tài chính từ năm 2011-2014 và thực hiện đầu tư từ năm 2015-2020, hoàn thành và đưa giai đoạn 1 vào khai thác từ năm 2020.
Về giao thông kết nối cảng HKQT Long Thành sẽ có đường trục ra vào cảng: phía đầu tây nam được nối trực tiếp vào đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đi về đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đang thi công), phía đầu đông bắc nối với đường vành đai 4 TP.HCM. Cảng HKQT Long Thành cũng được kết nối với tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Nha Trang và tuyến đường sắt đô thị Thủ Thiêm - Long Thành kết nối ngầm với cảng tại phía trục chính trước mặt nhà ga hành khách.
Chủ đầu tư dự án cảng HKQT Long Thành là Tổng công ty Cảng hàng không VN, báo cáo đầu tư xây dựng công trình do Công ty Tư vấn sân bay Nhật Bản lập.
Tối cùng ngày, một lãnh đạo Vụ Kiến trúc - quy hoạch (Bộ Xây dựng) cho biết chưa nhận được văn bản xin ý kiến của UBND tỉnh Đồng Nai về quy hoạch 21.000ha xây dựng khu vực xung quanh dự án sân bay Long Thành.
  Nguồn: Tuổi Trẻ

Xây dựng mới đường sắt Bắc - Nam

Đây là lựa chọn bất ngờ của Bộ Giao thông Vận tải sau khi xem xét nhiều “kịch bản” xây dựng đường sắt Bắc - Nam. Theo đó, tuyến đường sắt khổ đôi sẽ được xây mới hoàn toàn và độc lập với đường sắt khổ 1 m hiện tại.

Tại cuộc họp thông qua Báo cáo cuối kỳ về nghiên cứu lập Dự án Đường sắt tốc độ cao các đoạn Hà Nội - Vinh và TPHCM - Nha Trang diễn ra cuối tuần trước tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng khẳng định, việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam nằm trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Cụ thể, hệ thống đường sắt khổ 1,435 m, được điện khí hóa để đảm bảo duy trì tốc độ chạy tàu đạt 160 km/h - 200 km/h. Tuyến đường sắt được xây mới hoàn toàn và độc lập với tuyến đường sắt cũ hiện nay.

Đường sắt khổ đôi có vận tốc chạy tàu từ 160-200 km/h sẽ được xây dựng hoàn toàn độc lập với đường sắt hiện tại
Với tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện tại, Bộ trưởng Thăng đồng ý giữ nguyên và sẽ cải tạo, nâng cấp để tốc độ ở mức bình quân đạt khoảng 90 km/h đối với tàu khách và 60 km/h đối với tàu hàng. Quan điểm này của Bộ GTVT trùng với đề xuất kịch bản 1 của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) về việc cần phát huy tối đa năng lực đường sắt đơn trong giai đoạn 2020 - 2025 và tiến hành đường đôi hóa cho một số đoạn có nhu cầu cao.

Theo Bộ trưởng Thăng: “Mặc dù tuyến đường sắt Bắc - Nam qua hơn 100 năm khai thác đã xuống cấp và lạc hậu nhưng trong điều kiện đất nước còn nghèo thì không thể vứt chiếc áo rách trong khi nhu cầu mặc là thường nhật”.

Liên quan đến 2 tuyến đường sắt cao tốc ưu tiên là Hà Nội - Vinh (dài 280 km) và TPHCM - Nha Trang (dài 360 km), JICA cho rằng 2 tuyến này sẽ khả thi về kinh tế vào khoảng năm 2030, với tỷ suất nội hoàn kinh tế - EIRR đạt 12%. Tổng chi phí đầu tư của 2 tuyến đường ưu tiên này là 21,4 tỷ USD, bằng 6,3 % GDP của Việt Nam vào năm 2030. JICA đề xuất xây dựng 2 đoạn tuyến chạy thử là Ngọc Hồi - Phủ Lý (khoảng 45 km) và Thủ Thiêm - Long Thành (khoảng 36 km), chi phí đầu tư 2 đoạn đường cao tốc có vận tốc 320 km/h ước khoảng 3,2 tỷ USD.

Đồng ý với những đề xuất này, Bộ trưởng Đinh La Thăng giao Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức nghiệm thu báo cáo, phía JICA sẽ công bố độc lập về báo cáo này
.
Tháng 8/2012, báo cáo đánh giá về nhu cầu vận tải tương lai trên hành lang Bắc - Nam, chuyên gia tư vấn JICA cho biết: Năm 2030, nhu cầu vận tải đường sắt sẽ tăng khoảng 3 lần so với hiện nay và GDP của Việt Nam sẽ tăng khoảng 3-4 lần, khi đó việc cải tạo tuyến đường sắt đơn hiện tại sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu khổng lồ này.

Cũng trong báo cáo này, các chuyên gia JICA nhận định, về mặt kỹ thuật việc tăng tốc chạy tàu lên 200 km/h trên đường sắt đơn khổ 1m và 1,067m hiện nay là không khả thi. Nếu mở rộng bán kính đường cong của tuyến đường sắt hiện nay lên 2.000 m ở 1.500 vị trí và bố trí đường ngang khác mức ở hơn 2.000 vị trí cũng không đáp ứng được tốc độ trên, do đó cần phát huy được năng lực tối đa của đường sắt đơn (mức A2) trong giai đoạn 2020 - 2025 và đường đôi hóa (mức B1) cho một số đoạn có nhu cầu cao.

Theo tính toán của JICA, nếu tiến hành cải tạo tuyến đường sắt Bắc Nam theo phương án: tăng cường năng lực vận tải cho đường sắt đơn vận tải, tổng nhu cầu kinh phí sẽ vào khoảng 1,8 tỷ USD. Khoản đầu tư khá lớn này được dồn cho việc cải tạo hướng tuyến cho đèo Khe Nét, đèo Hải Vân; hệ thống thông tin tín hiệu, đầu máy toa xe... Phương án này sẽ giúp bảo đảm hoạt động của 25 đôi tàu mỗi ngày trên tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM, giảm thời gian chạy tàu giữa 2 thành phố này xuống 25,4 giờ.
Với đề xuất được lựa chọn, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng cần triển khai nhanh tuyến đường sắt Bắc - Nam, việc xây dựng này được đặt trong chiến lược chung về phát triển GTVT nhằm mục tiêu đáp ứng được nhu cầu GTVT đi trước làm tiền đề cho phát triển kinh tế. Bộ GTVT sẽ làm báo cáo trên kết quả nghiên cứu của dự án đường sắt này, để báo cáo Chính phủ và trình Quốc hội về đề xuất xây dựng tuyến đường sắt Bắc - Nam. Bộ này sẽ thành lập ban chỉ đạo để xây dựng dự án do Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông làm trưởng ban.
Nguồn: Dân Trí

Đầu tư 1.381 tỷ đồng xây dựng Cảng Liên Chiểu

(ĐNĐT) - UBND thành phố Đà Nẵng vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đăng ký Dự án xây dựng Cảng Liên Chiểu thực hiện theo hình thức công tư (PPP).

Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án hơn 1.381 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư là vốn nhà nước và vốn của khu vực tư nhân tham gia dự án. Dự án này sẽ tập trung xây dựng Cảng Liên Chiểu thành bến chuyên dùng có bến tổng hợp, phục vụ các khu công nghiệp của thành phố Đà Nẵng và tương lai, hỗ trợ bến Tiên Sa khi phát triển hết công suất.

Quy mô cảng sẽ dành cho tàu 50.000 - 80.000 DWT. Đây là khu phát triển có điều kiện, quy mô theo tiến trình đầu tư các khu công nghiệp của thành phố. Trước mắt, trong giai đoạn từ nay đến 2020, thành phố sẽ đầu tư xây mới 2 bến cho tàu 50.000 DWT, năng lực thông qua năm 2020 khoảng 2,5 - 3,5 triệu tấn/năm. Về tiến độ, dự kiến Đà Nẵng thực hiện việc xây dựng dự án trong thời gian 60 tháng.

Thang Duy khổ sở vì… giỏi tiếng Anh

Người đẹp "Thu muộn" nói tiếng Anh chuẩn và lưu loát nhưng lại phải vào vai một cô gái sử dụng tiếng Anh lắp bắp, vụng về.
Finding Mr. Right (tên tiếng Trung: Khi Bắc Kinh gặp Seattle) là câu chuyện về cô gái người Bắc Kinh Văn Giai Giai sang Mỹ chờ sinh con. Khó khăn lớn nhất của Giai Giai khi ở thành phố Seattle là vốn tiếng Anh nghèo nàn, cô thậm chí không thể giao tiếp những câu đơn giản với người bản địa.
Thang Duy trong Finding Mr. Right. Ảnh: QQ.
Thang Duy trong Finding Mr. Right. Ảnh: QQ.
Diễn viên đóng Văn Giai Giai là Thang Duy, người từng có thời gian du học ở London và nói tiếng Anh rất chuẩn. Chính ưu điểm này "làm khổ" nữ diễn viên. Khi nhập vai Giai Giai, cô từng muốn khóc vì phải luyện phát âm tiếng Anh sao cho dở nhất, buồn cười nhất. Sợ ngữ âm không phù hợp với đặc điểm nhân vật, người đẹp kiên trì ghi âm tất cả đoạn thoại tiếng Anh của mình rồi nghe lại, tự điều chỉnh cho đến khi thấy vừa ý.
duy2-jpg-1361263682-1361264353_500x0.jpg
Ngô Tú Ba và Thang Duy trong phim. Ảnh: QQ.
Trái với Thang Duy, diễn viên Ngô Tú Ba không giỏi tiếng Anh. Nhưng vai của anh lại là Frank, người sống ở nước ngoài lâu năm, có thể nói tiếng Anh thuần thục. Ngô Tú Ba đau đầu vì việc luyện phát âm, thuộc thoại. “Một lần, sau khi đã học thuộc một đoạn thoại dài, đạo diễn và Thang Duy bàn bạc với nhau rồi bảo tôi đoạn đó cần phải sửa. Tôi nghe đến đó mà thấy lòng tan nát”, Ngô Tú Ba chia sẻ trên QQ.
Finding Mr. Right là phim điện ảnh hài đầu tiên của Thang Duy. Phim dự kiến ra mắt vào tháng 3.
* Trailer phim "Finding Mr. Right"

Thành phố vệ tinh phía Nam TPHCM sẽ có 500.000 dân

Theo quy hoạch, khu đô thị mới Nam TPHCM sẽ là 1 thành phố vệ tinh của TPHCM hiện hữu. Dự kiến dân số của khu đô thị mới này đến năm 2020 sẽ là 500.000 người.
Trung tâm là khu Nam Sài Gòn
 
Theo định hướng phát triển TPHCM, thành phố này sẽ có nhiều thành phố vệ tinh, bao gồm: Thành phố Đông với quận 2 là trung tâm; Thành phố Nam với khu đô thị Nam Sài Gòn làm trung tâm; Thành phố Bắc với diện tích chủ yếu là quận 12 và Hóc Môn; Thành phố Tây với diện tích phần lớn quận bình tân và 1 phần quận 8, Bình Chánh. Ngoài ra còn có thành phố Tây Bắc rộng 6.000 ha nằm ở Củ Chi và Hóc Môn đang được nghiên cứu.
Trong tiến trình xây dựng các đô thị vệ tinh, UBND TPHCM vừa phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/5000 Khu đô thị mới Nam thành phố. Theo quy hoạch này, khu đô thị Nam thành phố nằm ở phía Nam TPHCM, tiếp giáp khu vực nội thành cũ và kéo dài từ Tây sang Đông dọc trục đường Nguyễn Văn Linh, gồm các phần đất thuộc địa bàn của các quận 7, 8 và huyện Bình Chánh.
Khu đô thị này được giới hạn bởi rạch Bàng và rạch Ông Đội (quận 7) ở phía Đông; phía Tây giáp Quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh); Phía Nam giáp huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè và quận 7; Phía Bắc giáp quận 7 và quận 8.
Theo quy hoạch, thành phố vệ tinh này sẽ rộng 2.975 ha. Trong đó có 693 ha thuộc quận 7 (gồm một phần của phường Tân Phong và phường Tân Phú), chiếm 23,3% tổng diện tích; Khu vực thuộc quận 8 (gồm 1 phần phường 7) có 323,4 ha, chiếm 10,9% tổng diện tích; Khu vực thuộc huyện Bình Chánh có 1.958,6 ha, chiếm 65,8% tổng diện tích. Quy mô dân số dự kiến đến năm 2020 là khoảng 500.000 người.
Thuyết minh trong bản quy hoạch, UBND TP cho biết mục tiêu của đồ án quy hoạch là căn cứ chiến lược phát triển đô thị của thành phố, đồ án quy hoạch được nghiên cứu nhằm kết nối về mặt tổ chức không gian, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các đơn vị ở trong phạm vi nghiên cứu và kết nối với các khu vực lân cận.
20 khu chức năng
Toàn bộ thành phố phía Nam này được chia thành 20 khu chức năng với Khu số 1 là trung tâm đô thị mới. Diện tích khu này chính là Khu A của Công ty TNHH Liên doanh Phú Mỹ Hưng. Tổng diện tích đất tự nhiên là hơn 491 ha với quy mô dân số dự kiến là 100.000 người.
Quy hoạch cụ thể của 19 khu còn lại như sau:
Khu
Vị trí
Diện tích
(ha)
Dân số
(người)
Chức năng
2
phường Tân Phong, quận 7
43,3

10.000
Khu dân dụng
3
phường Tân Phong, quận 7
73,2
10.000 sinh viên
Khu đại học cho sinh viên nội trú
4
phường Tân Phong, quận 7
43,3
9.500
Khu dân cư ven sông
5
xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh
24,9
-
Khu thể dục thể thao - thương mại dịch vụ
6
xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh
222
45.700
Khu dân cư, công cộng (bệnh viện) và công viên
7
xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh
72,8
21.200
Khu dân dụng
8
xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh
127,4
29.000
Làng đại học (Khu B của Cty Phú Mỹ Hưng)
9
xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh
217,4
56.000
Khu công trình công cộng và công viên, dân cư
10
xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh
54,7
-
Công viên vui chơi giải trí
11
xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh
155,3
33.650
Khu tái định cư và trung tâm công cộng
12
xã Phong Phú, huyện Bình Chánh và phường 7, quận 8
107,8

Khu đại học

13
xã Phong Phú, huyện Bình Chánh và phường 7, quận 8
190,6
36.250

Khu công viên, trung tâm công cộng và dân cư
14
xã Phong Phú, huyện Bình Chánh và phường 7, quận 8
51
9.500
Trung tâm kỹ thuật cao (Khu C của Cty Phú Mỹ Hưng)
15
xã Phong Phú, huyện Bình Chánh và phường 7, quận 8
40,38
18.000
Khu công nghiệp sạch và nhà ở công nhân
16
xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh và phường 7, quận 8

99,7

14.000
Trung tâm lưu thông hàng hóa 2 (Khu D của Cty Phú Mỹ Hưng)
17
xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh và phường 7, quận 8
126,6
13.000

Khu Bến Lức - khu kho và dân cư
18
xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh và phường 7, quận 8


Trung tâm lưu thông hàng hóa 1 (Khu E của Cty Phú Mỹ Hưng)
19
xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh
248,9
50.200
Khu dân cư, trung tâm công cộng khu vực và công viên
20
xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh

60,88

10.000
Khu công trình công cộng , đại học và tái định cư

UBND TP yêu cầu trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện theo quy hoạch, Ban Quản lý khu Nam phải lưu ý kiểm soát và khống chế quy mô dân số trong phạm vi từng đồ án. Theo đó, các dự án phát triển nhà ở mới cần có giải pháp để ưu tiên bố trí tái định cư tại chỗ.
Cũng theo quy hoạch này, đại lộ Nguyễn Văn Linh với chức năng là đường đô thị, lộ giới 120m là đường trục chính của Khu đô thị mới Nam thành phố, đảm bảo cân bằng chức năng giao thông và không gian đô thị, kết nối mạng lưới giao thông liên khu vực. Ngoài ra, khu vực thành phố phía Nam này còn có đường sắt đô thị số 5 và đường trên cao số 3 chạy qua.
Để đảm bảo chỗ để xe của người dân, thành phố cũng quy hoạch 2 ha bãi đậu taxi và 10 ha bãi đậu ô tô. Đối với các tuyến kênh rạch chính trên địa bàn khu đô thị mới này, thành phố yêu cầu giữ lại, khai thác và tôn tạo cảnh quan dọc kênh, nghiên cứu giải pháp kết hợp đào hồ tạo cảnh quan. Đồng thời tổ chức trồng cây xanh dọc các trục đường tạo bóng mát, cảnh quan và vi khí hậu cho khu ở.
Nguồn: Dân Trí